Về thăm 'thủ phủ' xứ dừa miền Trung
Thị xã Sông Cầu của tỉnh Phú Yên nằm giữa 2 thành phố Quy Nhơn (Bình Định) và Tuy Hòa (Phú Yên). Có lẽ do nằm trong “vùng trũng” giữa đèo Cù Mông và đèo Cả, nên Sông Cầu là một trong những thị xã trẻ yên bình, trù phú và nên thơ.
Ngoài nổi tiếng với những món hải sản tươi ngon, vùng đất này còn được xem là “thủ phủ” của xứ dừa miền Trung. Dừa ở đây đã có từ rất lâu.
Lúc sinh thời, nhà thơ Quách Tấn có lần ngang qua, không nén được cảm xúc trước khung cảnh nên thơ của rừng dừa, đã viết: “Rừng dừa mé biển cong đuôi phụng/Rẫy bắp sườn non thẳng cánh cò” (Qua Phú Yên tức cảnh).
Đúng vậy, khi đến Sông Cầu, đứng từ trên đỉnh dốc Găng, một con dốc cao nằm trên quốc lộ 1 nhìn xuống, toàn thị xã ẩn hiện trong một vùng rừng dừa xanh bát ngát nối từ chân núi đến tận bờ biển.
Những con đường rợp mát bóng dừa ở Sông Cầu - Ảnh: Đào Tấn Trực |
Có một điều đặc biệt là dừa Sông Cầu cho trái cực kỳ ngon. Cái ngon của trái dừa xứ sở là nước ngọt, cơm dày. Nếu du khách đến Sông Cầu, ngồi nghỉ ngơi thư thả trên những chiếc ghế bố dưới những tán dừa xanh, uống ngụm nước dừa nguyên chất, chắc chắn sẽ hài lòng với vị ngon ngọt mát nồng của nước dừa Sông Cầu.
Nếu thích tham quan, du khách mặc sức đi dưới những rừng dừa rợp bóng mát thăm những ngôi làng bình yên, xem những rặng dừa soi bóng sừng sững bên vịnh Xuân Đài, vịnh đầm Cù Mông và những: vũng La, vũng Lắm, vũng Chào...; những đảo: Bàn Than, Nhất Tự Sơn, cù lao Ông Xá...
Dừa Sông Cầu ngoài lấy nước, cơm dừa trong phần trái, các phần khác của cây dừa, trái dừa cũng được người dân nơi đây tận dụng. Sọ dừa dùng để làm đồ mỹ nghệ, xơ dừa dùng để chế biến đồ dùng, làm phế liệu, lá dừa để lợp nhà, làm chất đốt, thân dừa xẻ thành gỗ làm nhà, làm các công trình dân dụng…
Vì vậy đến Sông Cầu, ngoài cảnh đẹp của dừa, du khách dễ dàng nhìn thấy những ngôi nhà làm bằng dừa thật chắc chắn, xinh đẹp.
Nhìn tổng thể, toàn Sông Cầu được phủ một màu xanh mát rượi: mặt biển xanh, rừng dừa xanh, núi non xanh và bầu trời xanh thẳm. Một nơi đáng để ta đến tham quan.