Kinh nghiệm nhân giống dừa sáp của một nông dân Khmer
Anh My trong vườn ươm dừa sáp giống.KTNT - Theo chân ông Lê Văn Bé, Phó chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh, chúng tôi tới thăm cơ sở nhân giống dừa sáp của anh Thạch Phu My (người Khmer) ở ấp Chông Nô 2, xã Hoà Tân (huyện Cầu Kè).
Anh My là người tiên phong trong việc nhân giống dừa sáp, cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho thị trường, đồng thời mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bé cho biết, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Trà Vinh rất phù hợp phát triển dừa sáp bởi dừa có lượng cơm dày, mềm xốp, nước có vị ngọt và mùi thơm rất đặc trưng. Diện tích dừa sáp tập trung ở hai xã Hoà Tân, Hoà An và thị trấn Cầu Kè. Chỉ tính riêng diện tích trồng dừa sáp của xã Hoà Tân đã có khoảng 100ha, tương đương 16.000 cây. Dừa sáp đã trở thành đặc sản, một thức uống nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh, chính vì vậy giá bán trên thị trường rất cao, khoảng 120.000 – 130.000 đồng/trái. Hiện lượng dừa sáp thu hoạch không đủ cung cấp cho thị trường.
Anh Thạch Phu My, chủ cơ sở nhân giống dừa sáp cho hay: “Dừa sáp đã xuất hiện ở Việt Nam trên 80 năm, do giá cả không ổn định, cây dừa trồng lâu năm bị thoái hoá, dẫn tới năng suất kém, người dân không mặn mà với cây dừa. Hàng ngày nhìn thấy bà con chặt dừa làm củi đun, anh My buồn lắm, nhiều đêm không biết làm cách nào để bà con không chặt phá dừa nữa, làm sao giữ được giống dừa mà ông cha đã dày công để lại. Anh My đã lặn lội tìm kiếm thông tin trên báo, đài, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, mạnh dạn mua dừa trái về nhân giống thử. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, cây giống bị chết nhiều, không nản chí, anh tiếp tục mày mò nghiên cứu, cuối cùng sự cần mẫn của anh cũng được bù đắp, anh đã cho ra đời được giống dừa tốt, sạch bệnh.
Xin giới thiệu kinh nghiệm nhân giống dừa sáp của anh My:
Chọn giống: Nhân giống dừa sáp chủ yếu bằng trái, dừa làm giống được tuyển chọn từ những cây đầu dòng trên 10 năm tuổi, cây dừa có sáp, khoẻ mạnh, không bị bệnh. Chọn buồng nhiều trái, trái to, màu sắc đẹp (lưu ý chọn trái dừa nước) nếu chọn trái sáp thì trái không nảy mầm.
Trái dừa hái xuống, treo lên dây phơi khô, sau đó vạt mặt, xếp xuống đất hoặc cho vào bịch nylon có chứa xơ dừa + phân chuồng, đưa vào vườn ươm.
Làm giàn lưới để che bớt ánh sáng, ngày tưới 1 lần, mùa mưa không cần tưới. Sau khi đưa vào vườn ươm khoảng 35 ngày, trái nảy mầm. Khi nảy mầm, dùng phân bón lá phun kích thích cho lá và rễợ phát triển. Tiếp tục chăm sóc thêm 25 ngày, khi cây dừa cao 50cm và rễ đâm ra khỏi vỏ dừa là xuất bán được.
Cách trồng: Dừa sáp rất thích hợp với đất cát pha nhẹ, có thể trồng xung quanh bờ ao, bờ kênh, nếu trồng diện tích lớn, nên trồng tập trung. Đào hố rộng 80 x80cm, hoặc lên mô, cây cách cây 8 x 8m rồi trộn phân chuồng + tro trấu + phân hữu cơ, lấp một lớp đất mỏng. Hạ cây dừa xuống, lấp đất chặt, kín ngang mặt bầu.
Chăm sóc: Trồng xong tưới nước ngày 1 lần, dừa trồng được 30 ngày tiến hành bón urê, lượng phân không đáng kể, mỗi gốc 1 nắm. Khi cây trổ bông, bón 1kg phân NPK 16 - 16 - 8 + 10kg phân hữu cơ Humix. Bón bằng cách đào rãnh xung quanh gốc dừa, cách gốc 1, 5m bỏ phân xuống rồi lấp đất lại. Muốn cây dừa sáp đạt tỷ lệ sáp cao (cơm dày), khi cây trổ bông cần thụ phấn nhân tạo.
Phòng trừ sâu bệnh: Một năm rửa tán, cắt bẹ lá khô 2 lần để tránh chuột cắn phá. Dừa ít bệnh, tuy nhiên hay gặp bọ dừa phá hoại, vì vậy trong vườn dừa cần nuôi thả ong ký sinh để tiêu diệt bọ cánh cứng.
Thu hoạch: Trồng dừa sáp nếu chăm sóc tốt, năm thứ 3 bắt đầu cho thu hoạch (thu hoạch tốt vào năm thứ 5). Một cây dừa sáp có thể cho 100 trái/năm, tỷ lệ trái sáp đạt 30%. Hiện mỗi tháng anh My xuất bán hàng nghìn cây dừa sáp giống với giá 45.000 đồng/cây.
Anh My cho biết thêm, so với các cây ăn trái khác thì trồng dừa nhàn hơn nhiều, công chăm sóc thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ trồng và sản xuất cây dừa sáp giống, gia đình anh My đã có cuộc sống khá giả, một tháng đạt thu nhập 4–5 triệu đồng. Hiện cơ sở của anh đã trở thành địa chỉ học tập uy tín, bà con trong vùng tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm đều được anh hướng dẫn tận tình.