Hội thảo quốc tế 'Cây dừa Việt Nam, giá trị và tiềm năng'
Sáng ngày 29-8-2014,Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM phối hợp với Hiệp hội Dừa Việt Nam, UBNDTỉnh Bến Tre, Cục chế biến Nông Lâm sản và Nghề muối - Bộ Nông nghiệpvà Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo quốc tế: “Cây dừa Việt Nam: Giá trị và tiềm năng”.
Đại diện BGH Trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng đã phát biểu chào mừng quý vị quan khách, các nhà khoa học, nhà quản lý của các đơn vị, các địa phương, đã dành nhiều thời gian và tâm huyết đóng góp những tham luận khoa học và sắp xếp thời gian để tham dự hội thảo.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp Hội Dừa Việt Nam, phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: Việt Thành
Đại diện Bến Tre có Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre cùng các cán bộ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thể thao Văn hoá và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du lịch cùng các Sở ban ngành khác của tỉnh đến tham dự. Đặc biệt với GS. Reginald Little, TS. Santhipharp Khamsa-ard đến từ Úc và Thái Lan và hơn 50 nhà khoa học đến từ Bình Định, Trà Vinh, Huế, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ cùng các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh cùng tham dự.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Việt Thành
PGS.TS Võ Văn Sen nhấn mạnh: “Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là quê hương của cây dừa nhiệt đới, là xứ sở của những rừng dừa bạt ngàn với những xóm làng dân cư trù mật và lối sống hài hoà với tự nhiên hết sức đa dạng và sinh động. Cây dừa đóng góp cho đời tất cả, nước dừa để uống, cơm dừa và sữa dừa để làm bánh, gáo dừa để làm vật chứa đựng, xơ dừa để làm thảm, làm đồ dùng lọc nước hay để trồng hoa lan, cây cảnh, lá dừa để đốt, gân lá dừa để làm chổi, thân dừa để làm đồ mộc v.v.. Dưới tán dừa là cả một thế giới sinh động của làng quê Việt Nam, nơi có hàng triệu người nông dân đang miệt mài chăm bón cho vườn dừa, chỉ mong sao cây ngọt trái lành, cuộc sống mưu sinh được bù đắp trọn vẹn”.
Theo các nhà nghiên cứu Việt Nam, cây dừa đã có mặt ở đất nước ta từ nhiều ngàn năm trước, trong đó dấu vết của di vật cây dừa hoá thạch có niên đại vào khoảng 2600 năm (+/-150 năm) trong di chỉ văn hoá Óc Eo tại Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp. Trong khi đó, vùng đất Bắc Bộ Việt Nam sớm hình thành làng dừa Yên Sở (còn gọi là Làng Giá, tên chữ là Cổ Sở, sau đổi là Yên Sở, nay thuộc xã Yên Sở huyện Hoài Đức, Hà Nội) tương truyền có niên đại từ thời Lý Nam Đế (503-548). Còn theo ghi chép của chính sử thì muộn nhất vào khoảng thời Lý (1010-1224) cây dừa được đưa về trồng ở Thăng Long và dần dần mở rộng ra nhiều vùng ở Bắc Bộ. Địa danh Ô Chợ Dừa (Hà Nội) nổi tiếng trong lịch sử từng là nơi ngôi chợ được lập năm 1249 dưới những hàng dừa xanh mát nằm ở phía nam thành Thăng Long. Vào đến Trung Bộ, sự hiện diện của cây dừa càng dày đặc hơn và nổi bật hẳn với những rặng dừa Tam Quan ở Bình Định, dừa Tuy Hoà ở Phú Yên, sớm đi vào thơ ca như hình ảnh của quê hương thân thuộc đọng lại trong tâm trí những người con xứ Nẩu. Càng đi sâu vào vùng đất Nam Bộ chúng ta càng đi sâu vào vương quốc của những cây dừa ngọt mát quanh năm.
Nhu cầu thực phẩm là thường trực, song nhu cầu hưởng thụ những sản phẩm sinh thái có tính mỹ thuật và giá trị biểu trưng cao càng được chú ý nhiều hơn. Du lịch sinh thái lấy vườn dừa làm tâm điểm càng sẽ trở nên có giá trị nếu chúng ta biết tích hợp khai thác sản phẩm văn hóa từ câu chuyện cuộc sống của người nông dân trồng dừa, từ trí tuệ và tri thức bản địa mà người nghệ nhân gửi gắm vào từng sản phẩm của mình, từ việc kết hợp hài hòa giữa nguồn tài nguyên dừa mình có sẵn với thị hiếu hưởng thụ của dòng du khách sành điệu ngày càng đòi hỏi cao hơn ở các giá trị biểu trưng và sự gắn kết thương hiệu qua từng sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hội thảo về giá trị của cây dừa Việt Nam, tiềm năng trước những nhu cầu của xã hội cũng như nhu cầu của các nước khác trên thế giới.
Tại phiên hội trường, với 2 báo cáo đề dẫn, “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp cải tạo cơ cấu để tăng hiệu quả kinh tế vườn dừa”, ThS. Thái Nguyễn Quỳnh Thư – Viện Dầu và Cây có dầu, “Nhạc cụ dừa – Tài nguyên văn hóa của Việt Nam”, TS. Mai Mỹ Duyên trình bày đã cho cái nhìn tổng quan về sinh thái và văn hóa của cây dừa Việt Nam cũng như tính đa dạng của cây dừa trong đời sống của người dân.
Hội thảo chia thành 4 tiểu ban:
Tiểu ban 1: Cây dừa sinh thái và biến đổi khí hậu
₋Giới thiệu một số giống dừa truyền thống tại Việt Nam, KS. Phạm Thị Lan, - Viện Dầu và Cây có dầu
₋Tìm hiểu vai trò cây dừa trong việc bảo vệ môi trường và khả năng thích ứng với biển đổi khí hậu, TS. Nguyễn Thị Kim Loan – Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM
₋Nghề trồng dừa ở Bến Tre trong văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu từ góc nhìn sinh thái văn hóa, NCV. Ngô Hoàng Đại Long – Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM
₋Cây dừa – cây của cuộc sống. Cây dừa trước nguy cơ biến đổi khí hậu, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng – Viện Dầu và Cây có dầu
Tiểu ban 2: Cây dừa trong thế biểu tượng
₋Hình ảnh cây dừa trong ca cổ, thơ ca Nam Bộ, ThS. Hoàng Thị Ánh Tuyết – Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM
₋Rebirth of the coconut. Healing the Ailments of Progress. GS. Reginald Little – Australia
₋Bước đầu tìm hiểu về dừa trong tín ngưỡng dân gian ở Nam Bộ, TS. Trần Hoàng Hảo - Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM
₋Quả dừa – Lễ vật cúng dường trong Hindu giáo, TS.Phan Anh Tú - Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM
Tiểu ban 3: Đa dạng hóa sản phẩm từ dừa phục vụ phát triển du lịch
₋Sản phẩm du lịch và sản phẩm phẩm du lịch đặc thù từ dừa, ThS. Nguyễn Văn Thanh - Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM
₋Giới thiệu Festival Dừa Bến Tre, Ông Trần Duy Phương – Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bến Tre
₋Giới thiệu bảo tàng dừa Bến Tre, Ông Phan Văn Thông, Cty TNHH Du lịch và Dịch vụ Thương Mại Cồn Phụng – Bến Tre
₋Du lịch văn hóa dừa tại huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên, HVCH. Lê Thị Mỹ Dung - Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM
₋Du lịch sinh thái dừa – Một số nhận định và đề xuất, ThS. Dương Đức Minh - Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM
Tiểu ban 4: Cây dừa trong đời sống cư dân Nam Bộ
₋Cây dừa trong đời sống xã hội và trong tâm thức văn hóa Nam Bộ, TS. Huỳnh Công Tín - Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM
₋Giá trị văn hóa làng nghề Cồn Phụng ở Châu Thành, Bến Tre, ThS. Trần Thị Kim Ly – Cảng vụ Hàng không Miền Nam
₋Giá trị kinh tế và văn hóa của cây dừa Nam Bộ, ThS. Đoàn Trung Dũng, Võ Văn Chỉ - Học viện Hành chính - KV4 – Cần Thơ
₋Ẩm thực dừa ở Bến Tre từ góc nhìn địa văn hóa, TS. Lê Thị Ngọc Điệp - Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM
PGS.TS. Võ Văn Sen, tặng hoa cho đơn vị phối hợp, nhà tài trợ cho hội thảo. Ảnh: Việt Thành
Ngày 30/08/2014, tại khu du lịch Forever Green, Bến Tre diễn ra buổi tọa đàm khoa học và tham quan thực tế tại các điểm du lịch của tỉnh Bến Tre nhằm trao đổi sâu hơn các vấn đề liên quan đến du lịch sinh thái gắn liền với cây dừa, đây là hoạt đồng nằm trong chuỗi hoạt động liên quan đến tuần lễ dừa Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, TS. Santhipharp Khamsa-ard, Đại học Silpakorn, Thái Lan nhấn mạnh đến tính đặc thù địa phương và xây dựng các thương hiệu của địa phương, ngoài ra cần khai thác thế mạnh của địa phương để xem nó như là tính đặc thù mạnh để đưa hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo đến người tiêu dùng và thu được nguồn lợi nhuận tốt. Đồng ý kiến TS. Santhipharp Khamsa-ard, ThS. Võ Văn Thành cũng đã nhận mạnh đến việc các hộ sản xuất phải có độ tinh xảo cao của các loại hàng thủ công mỹ nghệ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
TS. Mai Mỹ Duyên phát biểu ý kiến mong muốn tỉnh Bến Tre nghiên cứu một sản phẩm du lịch đặc thù để khai thác đó là du lịch “Đàn ca tài tử”, Bến Tre có đội ngũ chất lượng cao về “Đàn ca tài tử” và họ sẽ là nhân tố giúp giữ khách lưu trú tại tỉnh vào buổi tối, để họ hoà cùng với cuộc sống của người dân một cách sâu rộng hơn, và an tâm với chuyến du lịch tại Bến Tre. Hơn nữa, họ có thể học nhanh về sử dụng các loại đàn và mua các loại đàn để dùng và làm lưu niệm.
Hội thảo với 44 bài nghiên cứu được in trong kỷ yếu, đưa ra nhiều giải pháp nhằm thay đổi cách nhìn về cây dừa và những giá trị tiềm năng của nó. Qua hội thảo, các bài viết sẽ là những luận cứ khoa học định hướng phát triển cây dừa Việt Nam trong thế kỷ mới, thế kỷ của kinh tế dịch vụ, của ngành công nghiệp xanh. Một kỷ nguyên mới cho cây dừa Việt Nam sẽ được mở ra, để cây dừa ngày càng đóng góp nhiều hơn của cuộc sống nhân loại. Để đạt đƣợc mục đích ấy, việc quan tâm nghiên cứu, đánh giá giá trị và xác định tiềm năng của cây dừa là hết sức cấp bách và thiết thực. Hãy bắt đầu với tương lai của cây dừa Việt Nam bằng một sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, nhà khoa học, người nông dân...
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành