Chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất
Tình hình xuất khẩu của Bến Tre đang có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm 2015. Tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 182 triệu USD, giảm 2,06% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giảm mạnh nhất là các sản phẩm từ dừa.
Công đoạn sơ chế cơm dừa.
Thị trường xuất khẩu còn khó khăn
Theo Sở Công Thương, quý I-2015, giá trị xuất khẩu chỉ xơ dừa trên 10.800 tấn, giảm trên 53% so với cùng kỳ năm 2014; dừa trái nguyên liệu trên 6.400 tấn, giảm trên 76% so với cùng kỳ; than thiêu kết 12 tấn, chỉ bằng 1,3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do các mặt hàng này còn lệ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.
Toàn tỉnh hiện có 16 sản phẩm từ dừa xuất khẩu như cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa, tinh dầu dừa, thạch dừa, kẹo dừa, lưới xơ dừa, thảm xơ dừa, nút gáo dừa… Hầu hết các mặt hàng này đều có từ 3 - 19 thị trường xuất khẩu chủ yếu. Cụ thể, cơm dừa nạo sấy có 19 thị trường xuất khẩu lớn như Ai Cập, Đức, Mỹ, Úc… Dù là mặt hàng mới nhưng sữa dừa đã có 14 thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Đức, Canada, Nhật Bản, Thái Lan… Nước dừa đóng lon có 10 thị trường xuất khẩu như Anh, Úc, Canada, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ… Nếu tính chung các mặt hàng dừa trong tỉnh hiện đã mở rộng trên 70 thị trường xuất khẩu, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản.
Tuy nhiên, còn một số sản phẩm thô như dừa trái, chỉ xơ dừa, xơ dừa, thạch dừa, kẹo dừa lệ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Trong những tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu các sản phẩm từ dừa giảm do thị trường Trung Quốc ngưng nhập khẩu. Hiện nay, các doanh nghiệp giao dịch thương mại với thị trường này đang gặp khó khăn, chỉ sản xuất cầm chừng và đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới.
Một công đoạn sơ chế dừa trước khi chế biến cơm dừa nạo sấy.
Mỏ Cày Nam là địa phương điển hình trong tỉnh phát triển ngành dừa làm kinh tế chủ lực kết hợp với chăn nuôi. Song, chủ yếu vẫn là xuất sản phẩm thô như dừa trái, chỉ xơ dừa, xơ dừa, thạch dừa… do chưa có nhiều nhà máy chế biến các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như cơm dừa sấy khô, sữa dừa, nước dừa đóng lon, tinh dầu dừa. Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, Mỏ Cày Nam hiện có hơn 10 doanh nghiệp chi nhánh của Trung Quốc, khoảng 17 doanh nghiệp của Bến Tre và hơn 60 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Tuy nhiên, chỉ có các doanh nghiệp là có hợp đồng mua bán đàng hoàng, còn lại chủ yếu là hợp đồng miệng. Sản phẩm cũng chỉ xuất bán cho Trung Quốc là chủ yếu. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong ngành dừa gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Đăng - đại diện Công ty TNHH một thành viên Thương mại - Sản xuất - Xuất nhập khẩu Dừa Liên Thành, xã Thành Thới B cho biết: Những tháng đầu năm 2015, hoạt động xuất khẩu yếu, nhất là chỉ xơ dừa, các sản phẩm không bán được hoặc chỉ bán cầm chừng với giá rẻ. Chỉ xơ dừa từ 24 - 250 bình thường có giá 230 USD/tấn nhưng giờ không bán được. Dừa trái hiện bán thô với giá 5.700 đồng/kg, riêng loại trái trên 1,5kg có giá 6.700 đồng/kg nhưng cũng chỉ bán cầm chừng. Theo ông Đăng, sản lượng xuất bán giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2014.
Cần Đầu tư công nghệ sản xuất
Đề ra giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, ông Trương Minh Nhựt - Giám đốc Sở Công Thương nêu: Hiện tỉnh chỉ còn một số sản phẩm lệ thuộc vào một hoặc hai thị trường xuất khẩu. Đáng quan tâm nhất hiện nay là chỉ xơ dừa, xơ dừa. Do đó, giải pháp sắp tới là khuyến khích doanh nghiệp chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất sản phẩm sau chỉ mới có thể hạn chế rủi ro do đa dạng thị trường xuất khẩu như lưới, thảm, dây…
Dự đoán tình hình xuất khẩu trong quý II-2015 sẽ khả quan hơn do có nhiều nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh đi vào hoạt động mới. Trong đó, ngành dừa có nhà máy chế biến nước dừa đóng lon tại Cụm công nghiệp Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre.
Hiện nay, việc xuất khẩu sản phẩm dừa thô như dừa trái nguyên liệu, xơ dừa, chỉ xơ dừa… trên địa bàn tỉnh đã giảm rất nhiều so với trước đây. Năm 2010 là 112 triệu trái; năm 2014: 85 triệu trái; 4 tháng đầu năm 2015: 8 - 9 triệu trái. Hoạt động xuất bán dừa trái cho tàu dừa Trung Quốc cũng đã giảm hẳn. Một số doanh nghiệp ngành dừa “đầu tàu” của tỉnh đã đầu tư công nghệ sản xuất dừa khép kín, sử dụng nguồn nguyên liệu hàng trăm triệu trái mỗi năm, đạt từ 80 - 90% sản lượng dừa toàn tỉnh. Các doanh nghiệp này chú trọng sản xuất các sản phẩm có giá trị, hàm lượng công nghệ cao, nâng cao chuỗi giá trị cây dừa. Bến Tre còn là chợ dừa - điểm thu mua dừa tập trung của khu vực để đáp ứng cho công suất hoạt động tăng cao của các nhà máy trong tỉnh.