Một số vấn đề của ngành trồng và chế biến dừa ở Bến Tre
Những năm gần đây, nhân dân Bến Tre tích cực hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cây trồng hiệu quả kinh tế thấp, diện tích thu hẹp, thay vào đó là cây trồng cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Đáng lưu ý, cây dừa cho trái-nguyên liệu chế biến của đa dạng sản phẩm. Diện tích đất trồng dừa liên tục tăng, hiện toàn tỉnh có khoảng 51 nghìn ha đất trồng dừa. Diện tích đất trồng dừa tăng cùng thời điểm dừa trái được thương lái thu mua giá cao, hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển. Rõ nét nhất là vào những tháng cuối năm 2010, giá dừa khô liên tục tăng; hiện thương lái đến tận vườn thu mua với giá ngoài 100 nghìn đồng một chục (12 trái). Theo nhận định, giá dừa khô sẽ tiếp tục tăng. Nguyên nhân do, nhiều nước có diện tích đất trồng dừa lớn, năng suất trái thu hoạch đang giảm đáng kể; trong khi đó vỏ dừa, cơm dừa, nước dừa, gáo dừa… là nguồn nguyên liệu thiết yếu của nhiều chủng loại sản phẩm.
Trái dừa khô của Bến Tre không những tiêu thụ trong nước mà còn được thương lái thu mua xuất khẩu sang nhiều nước. Và thị trường thu mua dừa trái “nóng” hẵn lên. Theo ông Cù Văn Thành-Giám đốc DNTN ép dầu Lương Quới, doanh nghiệp phải vào cuộc cạnh tranh để có nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động. Giá cơm dừa tươi được đẩy lên liên tục, hiện các doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy thu mua giá từ 21.000-22.000 đồng/kg cơm dừa. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, sự cạnh tranh thu mua nguyên liệu đang tạo một áp lực lớn, doanh nghiệp phải cần thêm 2/3 vốn lưu động, ngay trong thời điểm ngân hàng thắt chặt vốn vay thông qua điều chỉnh lãi suất. Một trở ngại nữa, nhiều doanh nghiệp đau đầu, sắp tới điện tăng giá, đồng nghĩa chi phí đầu vào trong sản xuất tăng, tiếp tục chia sẻ lợi nhuận của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp, nguồn nguyên liệu thu mua chỉ đáp ứng 40% công suất hoạt động của nhà máy. Giám đốc của một doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy trên địa bàn thành phố Bến Tre cho rằng, kinh doanh phải chấp nhận cạnh tranh, khi nguồn nguyên liệu cung < cầu, doanh nghiệp phải tìm giải pháp để tồn tại. Nhưng bức xúc của doanh nghiệp là chưa có sự công bằng trong tính thuế thu mua dừa trái giữa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước từ thu mua dừa trái đến chế biến thành phẩm xuất khẩu sang các nước phải chịu nhiều loại thuế, trong khi đó dừa trái xuất khẩu sang các nước được ưu đãi về thuế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, chủ trương của tỉnh là phải “nuôi dưỡng” các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; bởi chính các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong thu mua nguồn nguyên liệu của nông dân ổn định, giải quyết việc làm và nộp ngân sách cho tỉnh.
Ở một diễn biến khác, trái dừa khô bán được giá là tín hiệu lạc quan đối với người trồng dừa. Nhưng theo ông Trần Ngọc Diệp, ở xã Sơn Phú (Giồng Trôm), người trồng dừa đang đứng trước thách thức lớn. Gia đình ông sở hữu hơn 4 ha đất trồng dừa, những năm trước cao điểm thu hoạch 3,5 thiên/tháng. Từ tháng 2-9 Âl, dừa mới bắt đầu treo trái và khi vào mùa mưa cho trái sai trở lại. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào vườn dừa, nên mỗi năm ông đều bón phân 2 lần, những cây dừa lâu năm được thay thế dần để đảm bảo năng suất trái thu hoạch ổn định. Theo dõi sổ ghi chép dừa thu hoạch hàng tháng từ năm 2006 đến nay, ông Diệp trăn trở: Cây dừa chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, năng suất trái giảm dần và thời gian treo trái kéo dài. Vườn dừa của ông vào thời điểm trái rộ, thu hoạch chỉ còn 2,5 thiên/tháng và thời điểm trái treo thu hoạch chỉ hơn 1 thiên/tháng. Còn những hộ dân, diện tích đất sở hữu không nhiều, dừa thu hoạch bán chỉ đủ chi tiêu gia đình, không có điều kiện đầu tư phân bón, chăm sóc cây hợp lý, năng suất giảm nghiêm trọng.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2010 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2011, các thành viên trong Hiệp hội dừa (có cả doanh nghiệp chế biến và người trồng dừa) khẳng định: sự hiện diện của Hiệp hội không phải khống chế giá dừa của nhà vườn, luôn mong muốn dừa trái bán được giá cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Các hội viên là chủ doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp phải quan tâm đầu tư nguyên liệu cho nhà máy hoạt động. Nhưng vấn đề đặt ra là địa chỉ đầu tư ở đâu để đảm bảo có nguyên liệu và không mất tiền đầu tư. Ông Hồ Vĩnh Sang-Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre cho rằng, nổ lực của Hiệp hội là mỗi xã có trồng dừa phải thành lập chi hội, từng ngành hàng sản phẩm sử dụng nguyên liệu dừa phải thành lập Chi hội. Tất cả người trồng dừa tham gia sinh hoạt tại Chi hội, thuận lợi chuyển giao khoa học kỹ thuật và được dạy nghề chế biến dừa đơn giản, có thể làm tại gia đình để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Hiệp hội phối hợp các ngành hữu quan hướng dẫn nông dân nuôi ong ký sinh, phòng trừ bọ dừa, âm thầm làm giảm năng suất vườn dừa. Đối với doanh nghiệp, quan tâm trình độ chế biến, đầu tư thay đổi công nghệ. Hiệp hội sẽ tổ chức hội thảo xoay quanh chủ đề về công nghệ chế biến dừa hiện đại, tìm hiểu các thị trường xuất khẩu, kỹ năng đàm phán với đối tác, kỹ năng xây dựng thương hiệu… nhằm nâng cao công nghệ, tạo sản phẩm có giá trị và sức cạnh tranh cao, tham gia chương trình sản xuất sạch hơn. Hiệp hội tổ chức khảo sát, tìm hiểu chính sách nhà nước đối với cây dừa, ngành dừa, công nghệ và sản phẩm mới, kinh nghiệm hoạt động của Hiệp hội các nước trồng dừa. Cũng theo ông Sang vấn đề quan trọng Hiệp hội phải thực hiện là kết nối giữa người trồng dừa và doanh nghiệp, thông qua việc doanh nghiệp ký hợp đồng kinh tế thu mua dừa với các Chi hội-đại diện cho người trồng dừa. Quan điểm xuyên suốt của Hiệp hội vẫn là bảo vệ doanh nghiệp lẫn người trồng dừa. Doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận phải có trách nhiệm với người trồng dừa. Người trồng dừa cung cấp nguồn nguyên liệu đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động ổn định. Liên quan đến giống dừa, ông Sang khẳng định: Bến Tre đã có nhiều giống dừa cho năng suất cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng; vấn đề then chốt là có sự tác động của nhà khoa học tuyển chọn giống, giới thiệu cho nông dân trồng và nhân rộng.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh-Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam, hướng tới Hiệp hội dừa Việt Nam sẽ gắn kết với Hiệp hội dừa Bến Tre, cụ thể Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre là thành viên trong Ban Thường vụ của Hiệp hội dừa Việt Nam để cùng góp sức xây dựng thương hiệu cây dừa Việt Nam. Hiệp hội tiếp tục đề xuất Chính phủ quan tâm đúng mức để phát triển cây dừa. Một khi Nhà nước có chính sách tốt thì ngành dừa trở thành ngành chủ lực của cả nước.